Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, các em học sinh vốn rất quen thuộc với những ngôi chợ sầm uất, những siêu thị khang trang, đông vui, nhộn nhịp. Còn những phiên chợ nổi trên sông nước có phần xa lạ, có biết đến chăng cũng chỉ qua sách vở, phim ảnh. Mong ước được ngắm quang cảnh miền Tây sông nước với nét sinh hoạt độc đáo ấy đã trở thành sự thực khi các em học sinh khối 6 tham gia chuyến tham quan học tập tại Tiền Giang vừa qua.
Nằm trong kế hoạch tổ chức ngoại khóa của nhà trường, chuyến tham quan học tập tại Tiền Giang của học sinh khối 6 được tổ Ngữ Văn và nhóm Mĩ thuật (tổ Thể dục – Nhạc – Họa) phối hợp tổ chức diễn ra vào ngày 12.02.2012.
Điểm dừng chân đầu tiên của các em học sinh trong chuyến đi này là chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Do chợ nổi họp từ rất sớm và tan vào khoảng 8 giờ nên chuyến đi bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Đến với chợ nổi, các em được tận mắt chứng kiến một hoạt động quen thuộc của người dân miền Tây Nam bộ: họp chợ trên sông nước. Chợ họp trên một quy mô lớn, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Chính vì vậy mà hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Ghe tam bản chở đầy trái cây: chôm chôm đỏ rực, xoài màu vàng ửng, sầu riêng thơm nồng, dưa hấu xanh tươi… từ sáng sớm đã được chở đến. Ngồi trên thuyền, du khách có thể thưởng thức ngay tô hủ tíu nóng hổi, hay trái dừa lạnh, mát ngọt vào buổi sáng…Các em học sinh cực kì hào hứng khi ngồi trên tàu và được nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu về những nét đặc sắc của chợ nổi Cái Bè, biết được một nét độc đáo của chợ nổi mà chắc chắn khi đi về các em sẽ nhớ mãi, đó là trước mỗi tàu thuyền, người ta sẽ chống một cái cây cao (gọi là cây bẻo), trên cây có treo các loại trái cây, đồ dùng,…Treo vật gì thì ghe thuyền bán vật đó. Nhưng khi thấy người ta treo chiếc nón lá, bạn đừng vội kết luận người ta muốn bán nón. Đó là dấu hiệu người ta muốn bán đi chiếc ghe tàu mình đã từng gắn bó bao năm trên sống nước, là ngôi nhà mưu sinh nhọc nhằn của họ theo từng con nước lên xuống,...Thật thú vị biết bao.
Rời chợ nổi Cái Bè, các em học sinh ghé lại một số làng nghề ven sông như Ngọc Lợi, Cái Bè,…Tại đây, các em học sinh được chứng kiến các công đoạn làm cốm, bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa,…Đó là quá trình cần có sự tỉ mỉ, cần mẫn, khéo léo và không thể thiếu bí quyết riêng của từng nhà. Thu hút nhất chính là bàn tay khéo léo của những người đang làm kẹo dừa. Các em đã được lắng nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu về nghề làm kẹo dừa. Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa gồm: dừa khô, mạch nha với phụ gia là lá dứa, ca cao, đậu phộng. Quy trình sản xuất kẹo dừa gồm các bước: chuẩn bị nguyên liệu, ngào kẹo và đóng gói. Ðiều đặc biệt là kẹo dừa được gói bằng 2 lớp: bánh tráng và giấy. Do đó ta có thể giữ được trong một thời gian dài và có thể dùng mọi lúc, mọi nơi. Các em học sinh cũng không quên mua về những miếng bánh hay những sản vật làm từ cây dừa để làm quà cho gia đình, người thân.
Rời làng nghề, điểm dừng chân tiếp theo của các em là cù lao Tân Phong thuộc địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Được phù sa bồi đắp, nước ngọt quanh năm, Tân Phong có vị trí thuận lợi trong việc phát triển kinh tế vườn cũng như nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Từ lâu Tân Phong đã trở thành "điểm đến" của các tour du lịch sinh thái. Đây là nơi có những miệt vườn dài ngút ngàn với nhiều loại trái cây. Các bạn học sinh sau khi “mỏi chân” đi và “mỏi mắt” ngắm những trái cây trong vườn đã được thưởng thức các loại trái cây ngon ngọt như mít, bưởi, ổi, dưa hấu,…
Sau khi ăn trưa tại nhà hàng Xẻo Mây, hành trình trở về của các em còn ghi dấu ấn bởi điểm dừng chân cuối cùng là trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành - Tiền Giang). Đây là nơi chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các em học sinh tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn ráo,...), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm,...), những loài động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu...
Trong một khuôn viên rộng mát, các em học sinh trong tâm trạng tò mò, có chút sợ sệt nhưng cuối cùng cũng tham quan hết diện tích của trại rắn, vừa ghi chép, vừa chụp ảnh để chuẩn bị cho bài thu hoạch khi trở về.
Chuyến đi kết thúc thành công đã để lại nhiều kỉ niệm đẹp trong lòng các em học sinh. Hi vọng sau chuyến đi này, gần 400 học sinh khối 6 sẽ hiểu thêm được nhiều kiến thức, văn hóa và vẻ đẹp của miền Tây sông nước để những bài học trên trang giấy sẽ không còn khô khan mà trở nên sinh động, cụ thể trước mắt các em. Chúc tất cả các em học sinh sẽ đạt được điểm mười trong những bài thu hoạch sắp tới.
BAN TỔ CHỨC